Buổi tọa đàm chuyên sâu:Blockchain và AI - Giải pháp đột phá cho giáo dục và đào tạo giáo viên

Buổi tọa đàm chuyên sâu:Blockchain và AI - Giải pháp đột phá cho giáo dục và đào tạo giáo viên
Sáng ngày 15/02/2025, sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tham gia tọa đàm “Blockchain và AI trong giáo dục và đào tạo giáo viên”, một sự kiện quan trọng do Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII) phối hợp tổ chức.
Tại sự kiện, sinh viên không chỉ được tiếp cận những kiến thức chuyên sâu về vai trò của AI và Blockchain trong giáo dục, mà còn hiểu rõ hơn về trách nhiệm và thách thức khi ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý. Đây là cơ hội lớn giúp sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế, chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Sự kiện ABAII Unitour 22 thu hút hơn 1000 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm “Blockchain và AI trong giáo dục và đào tạo giáo viên” , PGS. TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đồng thời khẳng định chuyển đổi số là yếu tố chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho sinh viên và giảng viên.
PGS. TS. Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh vai trò của Chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng giáo dục
Tiếp đó, Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện ABAII, chia sẻ về những lợi thế và cơ hội mà AI và Blockchain mang lại cho giáo dục. Theo bà, hai công nghệ này không chỉ giúp đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập mà còn nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý giáo dục.
Tiếp nối chương trình, chuyên gia Đào Trung Thành đã trình bày về “AI và Đạo đức AI trong giáo dục”. Ông phân tích sự phát triển mạnh mẽ của AI và tác động của nó đối với đời sống nói chung cũng như giáo dục nói riêng. Theo ông, AI đang thay đổi cách con người tiếp cận tri thức, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều rủi ro về đạo đức và trách nhiệm. Ông nhấn mạnh rằng việc ứng dụng AI trong giáo dục cần đi đôi với các nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính công bằng và minh bạch.
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII khẳng định AI có thể được ứng dụng như một trợ lý học tập, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức về trách nhiệm
Trong phần tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến và Đầu tư, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Nhà sáng lập kiêm CEO Spores Network, đã chia sẻ về chủ đề “Ứng dụng của Blockchain trong hệ thống giáo dục”. Ông nhấn mạnh rằng Blockchain có thể giải quyết nhiều bất cập trong hệ thống giáo dục hiện tại, đồng thời giới thiệu mô hình giáo dục phi tập trung. Các mô hình này giúp sinh viên chủ động quản lý dữ liệu học tập và kết nối trực tiếp với nhà tuyển dụng, tạo ra một hệ sinh thái giáo dục minh bạch và linh hoạt hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xúc tiến Đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã giới thiệu những ứng dụng của Blockchain trong quản lý giáo dục
Trong khuôn khổ sự kiện, sinh viên có cơ hội tham gia phiên thảo luận mở “Ứng dụng Blockchain và AI trong giáo dục”, nơi họ được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục.
Đến với phiên thảo luận Ứng dụng Blockchain và AI trong lĩnh vực giáo dục Khoa Công nghệ Thông tin rất vinh dự khi có sự tham gia của TS. Đỗ Trung Kiên, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa CNTT, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng với các đại diện ThS. Phạm Thị Thanh Thúy, Bí thư Đoàn Thanh niên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; bà Lê Vũ Hương Quỳnh, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tether; ThS. Phạm Mạnh Cường, Nhà sáng lập Wischain, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP HCM; ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII.
Các chuyên gia cùng tham gia phiên thảo luận mở với chủ đề “Ứng dụng Blockchain và AI trong lĩnh vực giáo dục”
Dưới góc nhìn của người làm việc trong ngành giáo dục, TS. Đỗ Trung Kiên, Phó Trưởng Khoa, phụ trách Khoa CNTT, nhấn mạnh rằng nhà trường rất mong muốn thử nghiệm ứng dụng AI và Blockchain trong giảng dạy, đặc biệt là trong quản lý dữ liệu sinh viên, số hóa tài liệu học tập và tối ưu hóa quy trình hành chính. Theo Thầy, việc ứng dụng các công nghệ này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo ra môi trường học tập linh hoạt, cá nhân hóa theo nhu cầu của từng sinh viên.
Bên cạnh đó, Thầy cũng chỉ ra rằng các trường đại học cần nhanh chóng thích nghi với sự phát triển công nghệ, không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng mà còn phải chủ động xây dựng các chương trình đào tạo về AI và Blockchain. Điều này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận công nghệ sớm mà còn biết cách khai thác, ứng dụng một cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Thầy nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu và triển khai công nghệ vào giáo dục, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho sinh viên và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục trong thời đại số.
“TS. Đỗ Trung Kiên, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa CNTT, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”
Phiên thảo luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng số cho sinh viên và tích hợp AI, Blockchain vào giáo dục ngay từ bậc phổ thông. Các chuyên gia đề xuất đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, ứng dụng Blockchain trong quản lý tài chính giáo dục và khai thác AI để cá nhân hóa bài giảng. Sự kiện nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo sinh viên, mở ra nhiều hướng đi mới và giải pháp thiết thực nhằm ứng dụng AI và Blockchain vào giáo dục một cách hiệu quả.
“Các đại biểu tham gia chương trình ABAII Unitour #22 với chủ đề 'Blockchain và AI trong giáo dục và đào tạo giáo viên', tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào ngày 15/02/2025”
Buổi tọa đàm đóng vai trò là cầu nối chia sẻ tri thức, kỹ năng và giá trị, giúp mỗi sinh viên tự tin bước vào kỷ nguyên công nghệ đầy thách thức. Đây không chỉ là hành trang vững chắc mà còn là bệ phóng đưa công nghệ vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.